Là thành phố lớn nhất Đăk Lăk, Buôn Ma Thuột mang vẻ đẹp đặc trưng của Tây Nguyên, giao thông thuận tiện và có nhiều điểm tham quan du lịch độc đáo, xứ sở cà phê thu hút du khách lên đường khám phá.
Buôn Ma Thuột mùa nào đẹp?
Thời điểm đẹp nhất đến Buôn Ma Thuột từ cuối tháng 12 đến tháng 4, khi không khí vẫn còn chút se lạnh, cao nguyên dịu dàng và tĩnh lặng. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những vườn hoa cà phê nở trắng, dài như cánh tay mềm mại của thiếu nữ, hay khi những bông hoa pơ lang nở đỏ thắm cả đất trời.
Khí hậu miền núi khá lạnh vào buổi sáng nên bạn cần mang theo áo ấm. Nên tận hưởng không khí trong lành vào buổi sáng sớm bằng cách đi bộ. Nếu du lịch Buôn Ma Thuột từ tháng 5 đến tháng 10, bạn cần chuẩn bị đồ đi mưa, áo ấm, kem chống muỗi và đặc biệt là giày đi bộ chắc chắn vì vài điểm đến có đường đất đỏ dễ trơn trợt.
Chơi gì ở trung tâm Buôn Ma Thuột
Nơi đặc trưng nhất của Tây Nguyên có lẽ là Buôn Ma Thuột, thành phố chính của Đắk Lắk. Buôn Ma Thuột được xem như cái nôi của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột
Ảnh: UBND tỉnh Đăk Lăk
Ngã sáu Ban Mê là nơi có tượng đài Chiến thắng. Tượng đài được xem như biểu tượng của thành phố, được ví như tháp Eiffel ở Paris, Pháp. Điểm nhấn ở nơi đây là chiếc xe tăng bằng thép số hiệu 980 - chiếc xe mở đầu trận đánh lịch sử của quân đội Việt Nam vào thành phố.
Hầu như để đi đến mỗi con đường của thành phố, bạn đều phải đi qua ngã sáu này. Ngã sáu cũng là nơi tập trung nhiều công trình quan trọng của thành phố như nhà thờ Chính Toà, bảo tàng Đăk Lăk, nhà văn hoá tỉnh... Con đường Nguyễn Tất Thành hay Lê Duẩn chạy thẳng đến tượng đài rất rộng, thoáng, vỉa hè lớn, thích hợp để tản bộ, dạo mát. Buổi chiều, khu vực tượng đài cũng chưa quá đông nên bạn cũng không phải đợi lâu để chụp ảnh lưu niệm như buổi tối.
Bảo tàng Đăk Lăk
Bảo tàng Đăk Lăk, tọa lạc trên đường Y Ngông trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, là nơi du khách có thể tìm hiểu về xứ sở của voi và cà phê vùng Tây Nguyên. Công trình được thiết kế dựa theo kiến trúc nhà dài đặc trưng của cộng đồng người Ê-đê, dân tộc đông dân nhất ở Đăk Lăk. Bên trong bảo tàng lưu giữ và trưng bày khoảng 1.000 hiện vật giới thiệu về lịch sử, địa lý tự nhiên và văn hoá của các cộng đồng dân tộc bản địa như Ê-đê, Mnông, Gia-rai, Xơ-đăng, Giẻ Triêng, Mạ...
Bên cạnh đó, bảo tàng còn là một không gian xanh rộng lớn chẳng kém gì công viên với nhiều cây cổ thụ, thảm cỏ dài - là nơi nhiều người dân chọn để nghỉ ngơi, hóng mát, tập thể dục hàng ngày. Thông với Bảo tàng là Biệt điện Bảo Đại, nơi ở của vị vua cuối cùng triều Nguyễn tại Buôn Ma Thuột.
Biệt điện Bảo Đại
Biệt điện hiện là một phần của Bảo tàng Đắk Lắk, nằm trong khuôn viên rộng 7 ha có nhiều cây cổ thụ hơn 100 tuổi bao bọc. Với hơn 80 năm tồn tại, biệt điện mang đậm dáng dấp của nét kiến trúc núi rừng Tây Nguyên. Hiện nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật và hình ảnh có giá trị lịch sử về thời chiến đấu chống Pháp và Mỹ. Đây là điểm tham quan thú vị đối với những du khách mê tìm hiểu về lịch sử.
Bạn đừng quên chụp ảnh "check-in" với cây long não nổi tiếng nhất phố núi. Cây long não ở biệt điện được công nhận là cây di sản của Việt Nam với chiều cao 30 m, nhiều nhánh lớn, tuổi đời gần 100 năm tuổi.
Bảo tàng Thế giới Cà phê
Cách bảo tàng Đăk Lăk gần 3 km, bảo tàng Thế giới Cà phê là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Buôn Ma Thuột bởi kiến trúc lạ mắt, được nhiều du khách ví như "trời Tây" giữa phố núi. Không gian trưng bày ấn tượng, kể câu chuyện cà phê vòng quanh thế giới. Với tấm vé 70.000 đồng, bảo tàng cà phê không chỉ mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích mà còn là nơi để giới trẻ sáng tạo vô số bức ảnh theo phong cách nghệ thuật đương đại.
Làng cà phê Trung Nguyên
Đây không chỉ là địa điểm mua cà phê nổi tiếng mà còn được thiết kế như một công viên thu nhỏ. Bạn có thể không cần mua bất cứ sản phẩm nào, không cần uống nước trong quán mà vẫn có thể tham quan quần thể này miễn phí. Các khu tiểu cảnh được thiết kế đẹp mắt, hoành tráng như các thác nước lớn, cầu, suối, ao hồ, nhà sàn... với khách du lịch ra vào tấp nập. Khu vực này không bán vé nên bạn thoải mái ra vào chụp ảnh, vui chơi.
Hồ Ea Kao
Hồ Ea Kao nằm ở ngoại ô thành phố, mang vẻ bình yên của vùng nước rộng lớn. Chiều đến, nhiều bạn trẻ hay dạo quanh bờ hồ, trò chuyện ăn uống và lặng ngắm hoàng hôn.
Hồ nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 12 km, thuộc địa phận xã Ea Kao. Nơi đây có công trình thủy lợi vận hành từ năm 1983 nhưng không gian vẫn hoang sơ. Dưới lòng hồ là hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài cá, tôm nước ngọt. Xung quanh hồ là những dãy núi đồi trập trùng cùng hệ thực vật phong phú.
Dù đi vào khoảng thời gian nào, Ea Kao cũng trở thành điểm đến lý tưởng để người dân và du khách tới vãn cảnh và thư giãn.
Đặc sản được dân địa phương truyền tai nhau chính là món chuối chiên đầu đường Y Wang. Ra đến hồ, bạn gọi một ly nước mía, cắn một miếng chuối chiên và thưởng thức hoàng hôn buông xuống giữa lòng hồ mới cảm nhận hết sự bình yên.
Cảnh hồ Ea Kao những ngày cuối thu. Ảnh: Minh Đức
Nhà thờ chánh tòa Buôn Ma Thuột
Nhà thờ Thánh Tâm tọa ở số 2 đường Phan Chu Trinh, phường Tân Lợi. Đây là nhà thờ chính tòa của giáo phận Buôn Ma Thuột. Từ những năm 1930, nơi này là nhà nguyện mái tranh vách đất. Công trình hiện nay được hoàn thành từ năm 1959.
Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên
Nhà đày Buôn Ma Thuột
Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp thiết lập và xây dựng để đày biệt xứ và giam giữ những cán bộ, đảng viên bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ. Công trình rộng 2 ha, với nhiều hạng mục như: Nhà lao giam giữ, nhà quản lý, nhà y tế, bếp - ăn, nhà giáo huấn, khu tra tấn, nhà xưởng, nhà nguyện, khu bàn giấy... Các công trình này được xây dựng và hoạt động qua 2 giai đoạn: 1931-1945 trong thời kỳ Pháp thuộc và 1954-1975 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Buôn Akô Đhông
Buôn AKô Đhông hay còn gọi là buôn Cô thôn của làng Ma Rin của người Ê Đê cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hơn 2 km. Trong tiếng Ê Đê, "Ako" có nghĩa là đầu nguồn, "Dhong" là lũng. Buôn Akô Dhông có 27 căn nhà dài truyền thống của người Ê đê, hàng chục hộ dân đã tận dụng thứ có sẵn để kinh doanh, làm du lịch. Hãy đến buôn vào dịp giáp Tết để trải nghiệm nếp sinh hoạt đậm nét truyền thống và những đêm cồng chiêng sôi động.
Quảng trường 10/3
Quảng trường nằm ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, thoáng rộng và ít bị xâm lấn bởi các hàng quán xung quanh. Các em nhỏ thường tới đây vui chơi, thả diều, đạp xe đạp đôi, thuê xích lô, trượt patin... vào các buổi chiều mát mẻ. Đến tối, khu vực này mới thực sự đông đúc. Hàng quán ăn uống, giải khát nhộn nhịp, tưng bừng. Nhiều người dân còn mang theo báo, chiếu để trải xuống quảng trường và nghỉ ngơi, ăn uống...
Quanh khu vực quảng trường 10/3, có khá nhiều quán bia được thiết kế dưới dạng beerclub khá sôi động. Không gian thoải mái, thân thiện, rất thích hợp để ngồi lai rai, hóng gió.
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan
Du lịch DakLak có gì ngoài những cảnh đẹp hoang sơ, kì vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này? Không thể không nhắc đến Sắc Tứ Khải Đoan - một trong những ngôi chùa có tuổi đời lâu năm tại Buôn Ma Thuột, và cũng là chùa lớn nhất tại Đắk Lắk. Được xây dựng vào năm 1951, chùa tọa lạc trên con đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Mê Thuột, trở thành địa điểm check – in của nhiều người khi đến du lịch.
Với lối kiến trúc được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ, chùa Sắc Tứ Khải Đoan là nét đẹp phối hợp của Huế và Tây Nguyên. Có tone màu nâu vàng chủ đạo. Tại chùa, phần lớn chánh điện và các gian nhà Tăng chúng đều được làm bằng gỗ, chạm trổ cực kì tinh xảo. Phía trước sân, có tượng Phật A Di Đà và phật Di Lặc xoay mặt về phía cổng, nhìn xuống phần thung lũng ở đường Quang Trung. Nếu đến Đắk Lắk du lịch, hãy dành thời gian ghé chùa Khải Đoan cầu an nhé.
117 đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột.